Năm 1935, Quảng Đông và Phật Sơn là cái nôi võ thuật của miền Nam. Do nổi tiếng, nơi đây đã trở thành những địa điểm để các võ sư thuộc các môn phái khác nhau chiêu mộ những người tài về đây và cứ hằng năm là tổ chức một cuộc tỷ thí võ thuật với nhau. Phật Sơn là một trong số đó. Mặc dù là người giỏi võ nhất Phật Sơn, Diệp Vấn luôn khiêm tốn và tránh gây sự chú ý, thay vào đó anh chỉ sống lặng lẽ trong một căn nhà giàu, nghiên cứu, tập luyện võ thuật và thường quan tâm tới vợ con (vợ là Trương Vĩnh Thành và con trai cả là Diệp Chuẩn). Anh được đồng nghiệp tôn trọng vì sự nhún nhường mà anh đã thể hiện trong các cuộc tỷ võ giao lưu kín. Cậu nhóc Sa Đảm Nguyên khi đang cố gắng lấy con diều mắc trên cành cây, đã vô tình chứng kiến Diệp Vấn đánh bại Liêu sư phụ trong một cuộc tỷ võ giao lưu. Sự việc đến tai dân chúng khắp Phật Sơn khiến cho Liêu sư phụ nổi đóa. Anh trai Đảm Nguyên là Lâm võ sĩ (một đệ tử của Liêu sư phụ) tụt quần cậu em ngay tại nơi công cộng để dạy Đảm Nguyên rằng trên đời có vài điều bí mật cần phải giữ kín, khiến cho Đảm Nguyên buộc phải bỏ đi biệt xứ. Một ngày nọ, võ sư Kim Sơn Trảo quê ở miền Bắc tuy là người rất giỏi võ nhưng có tính tình lỗ mãng đặt chân đến Phật Sơn. Do muốn lập sự nghiệp bằng việc lập trường võ ở đây, y đã thách đấu tay đôi với tất cả võ sư ở Phật Sơn và đều dễ dàng chiếm lợi thế. Sau đó y thách đấu tay đôi với Diệp Vấn nhưng lại bị chiêu Vịnh Xuân quyền của Diệp Vấn đánh hạ. Chiến thắng này càng làm cho tên tuổi của Diệp Vấn càng vang danh hơn khi nâng cao lòng tự tôn của các võ sư ở miền Nam và cả người dân ở Phật Sơn. Rất nhiều người ở Phật Sơn lũ lượt tới tìm Diệp Vấn để dạy võ nhưng anh đều nhẹ nhàng từ chối. Năm 1937, Đế quốc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, biến người dân nơi đây trở thành nô lệ của chúng. Diệp Vấn và vợ con anh cũng trở thành nghèo nàn như mọi người, buộc phải đổi hết mọi thứ để lấy gạo ăn. Đến một ngày nhà không còn gạo, anh đành phải xúc than thuê để kiếm sống và tại đây anh đã gặp lại Lâm võ sĩ. Lâm rất hối hận vì lỡ sỉ nhục Đảm Nguyên, nên anh muốn tìm và tặng cậu em một chiếc hộp thiếc làm quà nhưng bất thành. Diệp Vấn cũng gặp được Lý Chiêu, một cựu sĩ quan cảnh sát và là người quen của anh, nay đang làm thông dịch viên cho quân đội Nhật Bản. Tướng Miura là một cao thủ Karate Nhật Bản, ông ta rất thích võ nên quyết định tổ chức một võ đài nơi các võ sĩ Trung Quốc thi đấu với các học viên quân sự của hắn ta để giành phần thưởng là những túi gạo (nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi văn hóa Trung-Nhật). Vì quá thích thú trước tin này mà Lâm võ sĩ cùng những người khác hăng hái tham gia. Chuyện chẳng ngờ đến, khi Lâm võ sĩ biến mất ngay sau trận đấu mà anh tham gia, Diệp Vấn cảm thấy bất an và ngay lập tức xung phong đến võ đài để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với bạn mình. Tại đây, anh đã chứng kiến Liêu sư phụ sau trận đấu bị tướng Sato (cấp dưới của Miura) bắn chết một cách vô lý. Chứng kiến điều đó, Diệp Vấn suy luận rằng Lâm võ sĩ cũng bị đánh rồi giết chết sau trận chiến trước đó của anh với Miura và yêu cầu Lý Chiêu mở cửa ra để mình anh vào sàn đấu. Sau đó, anh còn yêu cầu đòi thách đấu với mười võ sĩ Nhật cùng một lúc. Với bản lĩnh của mình, anh dễ dàng đánh bại mười võ sĩ đối thủ không thương tiếc, không một chút kiềm chế như anh thường thể hiện trong những trận đấu với các võ sư trước đó. Bị thu hút trước tuyệt kỹ võ thuật của Diệp Vấn, Miura muốn tìm hiểu và yêu cầu anh thi đấu thêm một lần nữa. Diệp Vấn từ chối đấu tiếp và đem túi gạo về cho gia đình Liêu sư phụ. Sau đó anh còn kết tội Lý Chiêu dám phản quốc để theo Nhật mà không có lòng tự trọng gì, nhưng Lý Chiêu trong thâm tâm vẫn luôn yêu nước nên anh thách Diệp Vấn đánh Nhật. Diệp Vấn chỉ lặng lẽ rời đi. Diệp Vấn đến thăm Châu Thanh Tuyền, ông chủ sở hữu một nhà máy bông cũ còn hoạt động ở Phật Sơn và cũng là người bạn chí cốt của anh. Bỗng một ngày, Quang Diệu (con trai của Thanh Tuyền) đến gặp Diệp Vấn và nói với anh rằng một băng cướp do Kim Sơn Trảo cầm đầu đang quấy rối các công nhân, đòi họ tiền bảo kê. Thấy tình cảnh như thế, cộng với việc các công nhân cầu xin anh dạy võ, Diệp Vấn cuối cùng cũng đồng ý trở thành thầy dạy võ, truyền thụ Vịnh Xuân quyền cho công nhân để tự vệ. Thấy Diệp Vấn mãi mà không quay trở lại võ đài, Miura mất kiên nhẫn nên hắn cử Sato và vài binh lính đi truy lùng anh. Sau khi một mình chế ngự đám người Nhật, Diệp Vấn cùng vợ con buộc phải bỏ căn hộ, tới ẩn náu trong nhà Lý Chiêu. Một lần khác, băng cướp của Kim Sơn Trảo lại đến nhà máy bông, các công nhân (kể cả Quang Diệu) ở đây chiến đấu, cầm chân chúng đủ lâu để Diệp Vấn đến tiếp ứng kịp. Diệp Vấn dùng một cây sào gỗ đánh chói tai trái của Sơn Trảo, cảnh báo y tránh xa các công nhân ở nhà máy bông. Diệp Vấn tới gặp Đảm Nguyên bên ngoài nhà máy, kể cho cậu nghe về số phận của người anh trai Lâm võ sĩ. Diệp Vấn trao lại cho Đảm Nguyên chiếc hộp thiếc, trong đó có con diều của cậu đã được gấp gọn. Nhận được món quà từ tay người anh, Đảm Nguyên khóc nghẹn, và thế là anh sẵn sàng gia nhập nhóm người lao động kháng Nhật. Quân đội Nhật Bản nhận tin về Diệp Vấn từ một thành viên băng cướp nên Lý Chiêu đã khuyên anh không được vào đó. Nhà máy bông bị quân Nhật đột kích, Thanh Tuyền bị đánh đập, Diệp Vấn nhanh chóng tới đây để cứu mọi người và bị quân Nhật đánh nhừ tử. Với danh nghĩa là tướng quân thuộc Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, Miura khuyên Diệp Vấn rằng anh sẽ được tha mạng nếu chịu dạy võ Trung Quốc cho binh lính Nhật Bản. Diệp Vấn từ chối và quyết thách đấu Miura và được Miura chấp nhận để giữ thể diện cho quốc gia. Khi bị bắt làm tù binh, anh nhờ Thanh Tuyền đưa vợ và con trai tới Hồng Kông để họ được an toàn. Sato bí mật dọa giết Diệp Vấn nếu anh không chịu buông xuôi trong trận đấu sắp tới nên Lý Chiêu khuyên anh để cho Miura thắng trận. Nhưng không, trong trận đấu võ đài ấy, nhờ khả năng phòng thủ hoàn hảo và một loạt quyền cước liên hoàn, và bằng tình yêu quê hương đất nước, Diệp Vấn (với tuyệt chiêu Vịnh Xuân quyền) giành lợi thế trước Miura (với tuyệt chiêu Karate), giáng cho hắn ta một đòn chết người. Miura ứa máu và chết ngay tại chỗ. Đám đông người Trung Quốc tung hô Diệp Vấn, lúc đó anh nhìn thấy vợ và con anh trở về cùng Thanh Tuyền. Diệp Vấn bị Sato bắn một phát trúng vào vai khiến anh ngã khỏi võ đài, nhưng anh chỉ bị thương chứ chưa chết. Đám đông Trung Quốc nhanh chóng kích động, xông vào giải cứu anh. Giữa cuộc ẩu đả, Lý Chiêu cướp súng và bắn chết Sato ngay vào đầu hắn. Nhờ sự giúp đỡ của Thanh Tuyền và Đảm Nguyên mà Diệp Vấn cùng vợ con nhanh chóng thoát khỏi Phật Sơn. Lời dẫn chuyện (dòng chữ hiển thị trên màn hình) sau đó còn cho biết thêm nhân dân Trung Quốc đã giành thắng lợi trước đế quốc Nhật Bản sau tám năm đấu tranh. Sau khi định cư ở Hồng Kông, Diệp Vấn đã thành lập võ đường Vịnh Xuân quyền và nơi đây đã tiếp nhận nhiều học viên tham gia trên toàn quốc (ước tính có tới hơn hai triệu học viên tham gia) và có được thành công như ngày hôm nay. Có rất nhiều học viên nổi tiếng trong võ đường này mà một trong số đó chính là siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long.
Bình luận phim Diệp Vấn